Thêm một bước đi quan trọng nữa đến từ cường quốc của công nghệ trên thế giới trong lĩnh vực sản xuất tự động hóa.
Bảo tàng Khoa học Quốc gia của Nhật Bản vốn từ lâu đã nổi tiếng với những nguyên mẫu robot dị biệt mô phỏng con người, thậm chí họ đã đặt hai phiên bản robot này ở ngay sảnh trưng bày chính của bảo tàng. Nhưng tuần vừa rồi, một gương mặt hoàn toàn mới đã được thêm vào bộ sưu tập của họ.
Với tên gọi “Alter”, ngoại hình của nó bao gồm một khuôn mặt có rất nhiều nét giống con người, tương tự như thiết kế Geminoid của Giáo sư Ishiguro, nhưng có nhiều điểm cải tiến hơn liên quan đến một hệ thống mạng lưới điều khiển tích hợp cho phép nó tự di chuyển. Cụ thể, công nghệ áp dụng ở đây được hỗ trợ bởi 42 động cơ khí nén, và quan trọng nhất là “máy năng lượng trung tâm” (CPG).
Được biết, nền tảng CPG trên sử dụng mạng lưới xử lý và liên kết như những neuron thần kinh của con người, cho phép robot tự kiểm soát chuyển động của mình thông qua cảm biến khoảng cách, nhiệt độ và cả độ ẩm nữa (chưa rõ lý do tạ sao). Toàn bộ thiết lập hệ thống trên không hẳn khiến nó hoạt động giống con người hơn, mà trên hết, ý tưởng ấy tạo cho chúng ta cảm giác rằng con robot này thực sự đang “sống”. Đó mới chính là điểm mấu chốt của vấn đề.
Về cơ bản, dự án này là một nỗ lực thu nhỏ khoảng cách giữa hai khía cạnh lập trình từ trước đó để cho robot chuyển động và tạo ra robot có khả năng tự di chuyển. Với sự trợ giúp của mạng lưới thần kinh nhân tạo trên, sự linh hoạt trong mỗi quyết định đưa ra của robot sẽ đa dạng hơn.
Chuyển động tay, đầu và cả những cử chỉ nói chung của Alter sẽ được tự kiểm soát và xử lý bên trong hệ thống. Những cảm biến đóng vai trò thu thập dữ liệu từ mọi góc độ môi trường sẽ làm nhiệm vụ hoàn thiện và tính toán chi tiết hơn nữa các thông số bên lề.
Chúng như thể là những giác quan của robot vậy, mặc dù nền tảng đằng sau thì chưa thể nào phức tạp và toàn diện như cơ thể con người.
Alter- The Humanoid Robot
Chẳng hạn, nếu cảm biến không gian nhận thấy có nhiều người xung quanh, thân robot sẽ có những rung lắc điều chỉnh tùy theo tư thế và vị trí.
Ngoài ra, Alter còn có thể… “hát”, mặc dù không được dễ chịu cho lắm. Giai điệu này thực chất là những sóng âm hình sin phát ra khi ngón tay của robot chuyển động. (Các nhà khoa học cũng đã nghĩ đến việc đổi sang âm thanh khác như vì đang là nguyên mẫu đầu tiên nên quyết định để mọi thứ ở dạng đơn giản ban đầu của nó)
CPG được thiết kế dựa trên một trong những công nghệ nhân tạo đơn giản nhất mô phỏng hệ thần kinh - mạng lưới Izhikevich - có cơ chế phản ứng theo những hành vi đột ngột và bất ngờ.
Mỗi khi một sự việc được tiếp nhận, hệ thống sẽ tại ra những tín hiệu nhất định, liên kết nó với một chuỗi các neuron tương ứng khác. Giáo sư Ikeue từ Đại học Tokyo cũng miêu tả CPG như “tập hợp hai quả lắc tác động lẫn nhau”. Nó như thể đã trở thành thói quen riêng của robot; các nhà khoa học không hề can thiệp và chính robot mới tự kiểm soát chuyển động của mình.
Kouhei Ogawa đến từ Đại học Osaka, người đã từng nghiên cứu những robot tương tự tại phòng thí nghiệm Ishiguro cho biết: “Alter vẫn còn chưa có những biểu hiện chuyển động y hệt như con người. Nhưng đúng là không thể phủ nhận các dấu hiệu mô phỏng nhất định khá tích cực từ nó.” Thật vậy, có vẻ như robot này đang mang trong mình một hình ảnh thực của con người chứ không đơn thuần là robot.
“Cho tới thời điểm này,” Ogawa phát biểu, “việc thiết kế nên những robot có khả năng nói và tương tác toàn diện dù chỉ trong 10 phút thôi hầu như là điều bất khả thi, đặc biệt là khi chỉ xét trên khía cạnh lập trình cho robot xử lý theo chương trình từ trước đó. Thế nhưng, áp dụng nền tảng tự xử lý và phản ứng như Alter thì lại hoàn toàn ngược lại.”
Robot Alter sẽ được trưng bày công khai với giới khoa học trong vòng 1 tuần. Trong lúc đó, các nhà khoa học từ Tokyo và Osaka cũng sẽ quyết tâm tìm ra nhiều phương pháp, phát minh thêm các công nghệ đột phá để hỗ trợ phản ứng tương tác của robot trong tương lai nói chung và Alter nói riêng.
Theo Genk
Viết bình luận