Ngay những ngày cận Tết Mậu Tuất 2018 xuất hiện tin đồn tờ tiền 200.000 đồng có chữ BP, AT, BS, CN ở đầu serie là tiền giả. Tin này đúng không? Và cách nào để phân biệt tiền thật - giả?
Hình ảnh phân biệt tiền giả - thật (Nguồn: clip của báo Tuổi Trẻ)
Cư dân mạng đang chia sẻ khá nhanh bài viết hướng dẫn cách nhận biết tờ tiền mệnh giá 200.000 đồng giả.
Kèm theo đó là hình minh họa các tờ tiền 200.000 đồng có chữ BP ở đầu serie và một đồng tiền 200.000 đồng bị ngân hàng bấm lỗ.
Bài viết này cũng liệt kê các chữ cái ở đầu seri ở những mệnh giá khác mà người nhận cần cảnh giác vì là tiền giả.
Bài viết này khẳng định tiền 500.000 đồng có chữ cái đầu serie là LF, NJ, LN là giả; tiền 100.000 đồng có chữ cái đầu seri là LF, FT, SG, Yi là giả và tiền 50.000 đồng có chữ cái đầu seri là XP - LB - MA - SA - VR - WP là giả.
Thông tin này cũng cảnh báo rằng trên mạng bán tiền giả tràn lan. Tết sắp đến nên mọi người nhớ thật cảnh giác trước những đồng tiền này vì đem ra ngân hàng sẽ đục lỗ và thu hồi.
Dù đây không phải là lần đầu tiên xuất hiện thông tin trên tuy nhiên ngay thời điểm cận tết khi nhu cầu mua sắm tết tăng khiến nhiều người hoang mang.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, bà Lê Thị Thanh Hằng, phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước TP.HCM đã bác bỏ thông tin này. Bà Hằng khẳng định rằng không thể dựa vào các chữ các đầu seri để nhận diện tiền thật, tiền giả mà phải dựa vào các yêu tố bảo an của tờ tiền.
"Người dân không nên tin vào những tin đồn thất thiệt trên", bà Hằng nói.
Cách nhận biết tiền giả
Khi soi tờ tiền trước nguồn sáng, hình bóng chìm chỉ là hình mô phỏng, không có các chi tiết in tinh xảo, sáng rõ như tiền thật.
Hình định vị - hình ảnh trên mặt trước và hình ảnh trên mặt sau in trên cùng một vị trí - không khớp khít, không cân đối và không tạo thành các khe sáng trắng đều nhau như tiền thật khi soi tờ tiền trước nguồn sáng.
Trên tiền giả, mực đổi màu được in bằng mực nhũ vàng, khi chao nghiêng không đổi từ màu vàng sang màu xanh lá cây như yếu tố mực đổi màu (OVI) của tiền thật (chỉ có ở 100.000 đồng, 200.000 đồng và 500.000 đồng).
Ngoài ra người dân có thể kiểm tra cửa sổ nhỏ (chỉ có ở 50.000 đồng, 100.000 đồng, 200.000 đồng và 500.000 đồng), tiền giả không có hình ẩn (DOE) như tiền thật.
Gần đây tội phạm có làm giả nét in nổi bằng cách in thêm các ký tự tương ứng bằng mực không màu (trong suốt) tại các vị trí như: dòng chữ "Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam", chữ và số mệnh giá (lớn) trên mặt trước; dòng chữ "Ngân hàng Nhà nước Việt Nam", chữ và số mệnh giá trên mặt sau.
Nhưng khi vuốt nhẹ tại các vị trí này cũng cảm nhận được độ nổi nhưng không nhám, ráp như tiền thật, nhằm đánh lừa cảm giác của người tiêu dùng khi kiểm tra nét in nổi.
Ngoài ra tất cả các loại tiền giả polymer đều được in trên nền nilon thông thường nên rất dễ giãn hoặc rách. Những tờ tiền này cũng không bền và không có độ đàn hồi đặc trưng như polymer.
Vì vậy, người tiêu dùng cũng có thể kiểm tra bằng cách kéo, xé nhẹ ở mép tờ tiền, nếu là tiền thật sẽ rất khó rách, khó giãn hoặc nắm gọn tờ tiền trong lòng bàn tay, khi mở bàn tay ra, nếu là tiền thật sẽ đàn hồi về trạng thái ban đầu, như trước khi nắm.
Nguồn: Báo Tuổi Trẻ.
Viết bình luận